“Quỷ hút nhân khí” và những công trình phong thủy hung hiểm bậc nhất ở Bắc Kinh

“Quỷ hút nhân khí” và những công trình 

phong thủy hung hiểm bậc nhất ở Bắc Kinh

 

Trong lịch sử, những triều đại mới lên ngôi thường tìm cách “cắt long mạch” của triều đại trước đó, mục đích là để trấn yểm và ngăn chặn các phần tử nổi dậy khôi phục hoàng quyền. Còn Trung Hoa lại là mảnh đất Thần Châu 5.000 năm lịch sử phát triển rực rỡ với những anh hùng, Nho sĩ không dễ khuất phục bởi quyền thế. Có lẽ vì vậy mà ngay khi ĐCSTQ lên ngôi đã ngay lập tức cho xây dựng một loạt các công trình phong thủy ở Bắc Kinh của Trung Quốc mà theo các nhà phong thủy, chúng là những công trình hung hiểm bậc nhất được xây dựng để trấn yểm, ngăn các cuộc nổi dậy của nhân dân.

“Quỷ hút nhân khí” – phong thủy hung hiểm nơi quảng trường Thiên An Môn

Tờ “Xilu Net” của đại lục từng đăng một bài báo tiết lộ tấm màn đen phong thủy ẩn trong quảng trường Thiên An Môn.

Thiên An Môn vốn là một tổ hợp kiến trúc phong thủy, và “Nhà tưởng niệm” của Mao Trạch Đông lại nằm ngay tại trái tim của quần thể kiến trúc ấy. 

Bài báo phân tích: Nhà kỷ niệm là điểm du lịch miễn phí, vì vậy sẽ có nhiều du khách đến tham quan, bên này là du khách, bên kia là quỷ âm; bên này là đám đông qua lại tấp nập, bên kia là quỷ đang hút khí người để bù đắp âm khí cho người chết. 

Trong dân gian gọi là hiện tượng quỷ hút nhân khí. Điều này theo các nhà phong thủy cũng không quá ngạc nhiên, bởi qua Cách mạng Văn hoá, Đại nhảy vọt và các cuộc thanh trừng nội bộ, Mao Trạch Đông đã gây đổ máu hàng chục triệu người dân Trung Quốc, sau khi qua đời lại âm thầm hút khí nguyên dương của người còn sống.

Bia kỷ niệm Anh hùng Nhân dân đứng trước Nhà tưởng niệm Mao trông giống như một thanh kiếm cắm vào lòng đất, là nơi hương hỏa của những người lính đã từng theo Mao trong kháng chiến? Các nhà phong thủy cho biết, họ giống như những âm binh canh gác cho linh cữu trong lăng vậy. Và rằng ngay tại chính giữa thủ đô mà lại tập trung toàn những âm sai và quỷ hồn, thì quả thực không khác nào động quỷ. 

Ảnh Mao Trạch Đông được treo ở quảng trường Thiên An Môn, đó chính là đem “di ảnh” của người chết bày ở linh đường. 

Bài báo viết: “Xây dựng cái linh đường ngay quảng trường trung tâm thành phố, có lẽ điều này chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc 5000 năm”.

Ngoài ra, tờ “Tin tức Bắc Kinh” ngày 28 tháng 9 năm 2014 dẫn lời họa sĩ nổi tiếng Vương Quốc Đống nói rằng, do sử dụng loại màu cao cấp có tên là “ngân châu Trung Quốc”, bất kể bạn đứng ở vị trí nào trước bức chân dung, cũng sẽ đều có cảm giác đôi mắt của Mao trong bức ảnh như đang nhìn chằm chằm vào bạn.

Không chỉ vậy, hàng ngày trên quảng trường đều có nghi thức kéo cờ, chính là cờ đỏ 5 sao, tức “Ngũ tinh hồng kỳ”. Theo nhà phong thuỷ Âu Dương Tiên Sinh, quẻ “Quần long vô thủ” (bầy rồng không có đầu) vốn là quẻ cát tường trong Kinh Dịch, nhưng nếu có xích long cầm đầu thì lại trở thành điềm xấu. 

Dễ thấy trên lá cờ Ngũ tinh, 5 ngôi sao xếp thành hình ‘nhất đại tứ tiểu’, tức một ngôi sao lớn làm bá chủ và bốn ngôi sao nhỏ xung quanh. Ngôi sao lớn này cũng chính là xích long (rồng đỏ) cầm đầu, lại nằm tận cùng bên trái, do đó đây là lá cờ báo hiệu điềm xui rủi. 

Thực ra, những nơi trấn yểm kể trên cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Việc ĐCSTQ phá hủy đi cấu trúc cố cung hoàn hảo quanh Thiên An Môn mới là sự tàn phá lớn nhất đối với long mạch Trung Hoa. 

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về kiến trúc cố cung cổ để hiểu được người Trung Quốc đã mất đi những gì… nhé.

Cấu trúc phong thuỷ cổ của cố cung 

Tổ hợp kiến trúc cố cung là nơi mà mỗi vị trí, mỗi chi tiết đều phù hợp với phong thủy địa mạch. 

Khi vừa mới lên ngôi, Minh Thành Tổ vì muốn khẳng định vương vị nên đã ra lệnh xây dựng một hoàng cung vĩ đại chưa từng có, mang tầm vóc sánh ngang với đất trời. 

Ông đã lệnh cho các thầy phong thuỷ dẫn long nhập huyệt: Trên nền đất bằng mà dựng lên một ngọn núi nhân tạo gọi là Cảnh Sơn, sau đó lại đưa khí mạch từ dãy núi Thiên Thọ dẫn nhập vào Cảnh Sơn, đi qua các núi sông uốn lượn rồi kết thúc ở rặng núi Côn Luân, tạo nên thế “ngọa long” (rồng nằm) cho kinh đô Bắc Kinh.

Cung điện Tử Cấm Thành nằm ở chính giữa kinh đô, bên ngoài kinh đô được bao bọc bởi ba lớp tường thành cùng với 4 đàn tế: Thiên Đàn ở phía nam thờ trời, Địa Đàn ở phía bắc thờ đất, Nhật Đàn ở phía đông thờ mặt trời, Nguyệt Đàn ở phía tây thờ mặt trăng. 

Tử Cấm Thành nằm ở chính giữa, giống như tâm điểm của đất trời. Bản thân toà cung điện cũng là một kết cấu âm dương hoàn chỉnh: nửa đông là Dương, nửa tây là Âm, phía sau là sơn (núi Vạn Niên), phía trước là thuỷ (sông Kim Thuỷ). 

Đồng thời lại là nơi Càn Khôn hội tụ, trời đất giao hoà: Cung Càn Thanh dành cho hoàng đế, to lớn vĩ đại như bầu trời; cung Khôn Ninh dành cho hoàng hậu, bao dung ấm áp như đất mẹ; ở giữa là điện Giao Thái, là giao điểm giữa trời và đất, âm và dương, kết nối giữa thiên đình và hạ giới.

Kết cấu của tòa cung điện cũng là mô phỏng theo kết cấu của vũ trụ: Điện Giao Thái tương ứng với vị trí của sao Bắc Đẩu, các khu phòng phía sau tam đại điện tương ứng với các chòm sao, sông Kim Thủy tương ứng với dải Ngân Hà, cung Càn Thanh tương ứng với nơi ở của Ngọc Hoàng Đại Đế, thể hiện ý tưởng: Thiên Đế ngự trên thiên đình, Thiên tử ngự trong Tử Cấm Thành.

Cổng thành Thiên An Môn cũng mang dụng ý phong thuỷ. Nó là một cung đường hình chữ “Đinh” (丁) nối giữa Trường An Môn Đông và Trường An Môn Tây tạo thành nét ngang của chữ Đinh, nối giữa Thừa Thiên Môn và Đại Minh Môn tạo thành nét dọc của chữ Đinh (đoạn đường này còn gọi là “Thiên bộ lang”, tức hành lang dài ngàn bước). Đây là cổng chính dẫn vào hoàng cung. 

Tương truyền, trước kia trên nóc thành lầu Thiên An Môn từng có một báu vật trấn yểm. Nhưng chính quyền đương đại đã dỡ bỏ báu vật này. 

Từng chi tiết nhỏ của công trình này đều mang dụng ý sâu xa. Ví dụ như… trước cổng thành có tượng sư tử canh gác và hai cột đá,… trên mỗi cột đá đều có thần thú: Thần thú nhìn vào trong nhắc nhở Thiên tử rằng/ không thể ngự trong cung quá lâu mà không quan tâm đến dân tình thế thái, thần thú nhìn ra ngoài khiển trách hoàng đế rằng/ không thể xa giá quá lâu mà không màng đến chính sự triều đình.

Từ năm 1955-1959, sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, quảng trường Thiên An Môn được cải tạo thành như hiện nay. Sau đó, hàng loạt các công trình lớn nhỏ cũng được xây dựng xung quanh quảng trường, hoàn toàn phá vỡ quần thể phong thủy đầy minh triết mà người xưa đã dày công xây dựng. 

Ngoài công trình “quỷ hút nhân khí” ở quảng trường Thiên An Môn, ĐCSTQ dưới thời Giang Trạch Dân còn cho xây liên tiếp 2 công trình phong thủy vào hàng hung hiểm bậc nhất, tạo thế chân kiềng để trấn yểm nơi đầu não Bắc Kinh

Nhà hát lớn Quốc gia – “nấm mồ lớn” của Giang Trạch Dân

Khi Giang Trạch Dân lên nắm quyền đã quyết định xây dựng một công trình kiến trúc rất “khôi hài”, được gọi là “Cự đản” ( tức quả trứng khổng lồ), đó chính là Nhà hát lớn Quốc gia.

Công trình này được cho là do Giang Trạch Dân dùng tiền ngân khố để lấy lòng tình nhân của ông ta là Tống Tổ Anh.

Nhà hát lớn Quốc gia nằm ở phía Tây của Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, với tổng vốn đầu tư là 3.8 tỷ NDT (khoảng 543 triệu USD). 

Dự án này khi đó đã gây ra tranh cãi gay gắt do đầu tư quá lớn và tính hợp lý của phương án thiết kế. Còn các nhà lý luận về địa lý phong thủy thì cho rằng, đây giống như một “nấm mồ lớn” sắp bị niêm phong.

Tạp chí kiến ​​trúc ARCHI()TECTURE REVIEW năm 1999 cho rằng công trình này hoàn toàn không cân xứng với trung tâm thành phố Bắc Kinh và bất kỳ tòa nhà hiện có nào khác. 

Chương thứ 18 của cuốn sách “Giang Trạch Dân” viết: … Điều bị chỉ trích nhiều nhất về Nhà hát lớn là bề ngoài nó trông giống như một “nấm mồ lớn”, lối vào dưới lòng đất của nó giống như một lối đi trong lăng mộ. Kiến trúc sư đã bố trí một lối đi dài 100 mét từ dưới nước đến Nhà hát lớn, vì vậy khán giả phải đi qua một đường hầm dưới nước trước khi đi lên. Cái này giống như đi qua hố nước đọng của ngôi mộ. 

Ông Lý Yến (Li Yan), cựu Giáo sư của Học viện Mỹ thuật Thanh Hoa, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Kinh Dịch Trung Quốc cho biết, nơi này là vị trí của “Hào quái” trong phong thủy, tương lai sẽ không ngừng xuất hiện thị phi. Ông thậm chí còn dự đoán rằng: Một khi công trình kiến trúc giống như một ngôi mộ này được thi công, những người liên quan sẽ chết một cách khó hiểu. Kết quả là nhà thiết kế Ngụy Đại Trung đã qua đời.

Tuy nhiên, dự án này vẫn được hoàn thành và đưa vào hoạt động. Một số người nói đùa rằng đây là “kỹ viện quốc gia”, nơi Giang Trạch Dân an trí cho tình nhân họ Tống.

Tòa nhà CCTV – “chiếc quần cộc khiêu dâm” 

Tòa nhà CCTV cũng là một dự án được xây dựng dưới thời Giang Trạch Dân. Tòa nhà nằm trên đường vành đai 3 phía Đông, quận Triều Dương, Bắc Kinh, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ NDT (khoảng 714 trieu USD).

Tòa nhà bao gồm hai tòa cao ốc nghiêng nối với nhau, mái nghiêng 90 độ nhưng được nối với nhau theo kiểu uốn lượn, bề ngoài giống như hình chữ U viết ngược, bị cư dân Bắc Kinh gọi đùa là “chiếc quần cộc khổng lồ”. 

Cư dân mạng thậm chí còn chỉ ra rằng nó trông giống như tư thế ngồi xổm như phụ nữ, hoặc giống dáng “xoạc chân”, ám chỉ sự dâm đãng. Cũng có những bình luận cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp với kiểu “sắc tình trị quốc” của ĐCSTQ.

Tờ “South China Morning Post” của Hồng Kông từng đăng bài viết của nhà huyền học Văn Tướng Nhu (Wen Xiangrui), nói rằng phía sau tòa nhà không có gì cao hoặc lớn hơn, xung quanh trống trơn, không có chỗ dựa, đây chính là “mất chỗ dựa”. 

Khi chỗ dựa trống trơn, sẽ dễ dàng xuất hiện vấn đề về nhân sự.

Hình dạng méo mó của tòa nhà tượng trưng cho sự bóp méo tin tức của CCTV. CCTV vốn luôn bị ngoại giới cáo buộc là cỗ máy nói dối của ĐCSTQ. Bài báo còn cho biết: “kiến trúc hình chân dạng ra thì tự nhiên sẽ có nhiều bản tin về sắc dục”.

Bài báo cũng chỉ ra rằng, các đường cong trên tường ngoài của tòa nhà tạo thành lưới chéo, là quẻ Ly thuộc hành Hỏa trong Bát quái. Tòa nhà CCTV như bị lưới cá bao trùm, tiềm ẩn hai loại tình huống: 

  • Một là nhiều quan lại xử trí không đúng, thị phi quấn quanh.
  • Hai là khó mà phát triển, trói chân trói tay, hạn chế quá nhiều.
  • Mặt khác, Quẻ Ly là quẻ Đào hoa, cho nên bê bối tình dục đặc biệt nhiều.

Đối ứng với quan điểm trên, trong những năm gần đây, chốn quan trường của CCTV đã trải qua nhiều “trận địa chấn”. Vào tháng 11/2011, cựu giám đốc CCTV Tiêu Lợi (Jiao Li) vì liên quan đến dâm ô tham nhũng nên bị giáng chức xuống làm Phó giám đốc Cục Quản lý Báo chí và Xuất bản Nhà nước. 

CCTV được giới quan sát đánh giá là nơi tụ tập để giao dịch tình – quyền dơ bẩn của ĐCSTQ. Lý Đông Sinh (Li Dongsheng), cựu Phó giám đốc CCTV, ông ta đã từng lợi dụng tài nguyên mỹ nữ của CCTV để tham gia hối lộ tình dục với các quan chức cấp cao của ĐCSTQ và bị cách chức.

Ba công trình hung hiểm trên được giới phong thủy đánh giá là những công trình trấn yểm long mạch quốc gia để ngăn cản người dân nổi dậy đấu tranh với chính sách đối nội tàn bạo và ngang ngược của ĐCSTQ. 

Cuộc Đại cách mạng Văn hóa đã phá hủy toàn bộ những di tích văn hóa mà người dân Trung Hoa đã dày công gây dựng. Dân tộc Hoa Hạ vốn tự hào mình ở mảnh đất Thần Châu, với nền văn hóa tín Thần rực rỡ trải suốt 5000 năm lịch sử mà không bị suy yếu. 

Nay nền văn hóa truyền thống đã bị giày xéo, đức tin bị bôi nhọ, chữ viết cũng bị cải biến, sự tự do về cả tư tưởng cũng không còn, thậm chí họ còn bị tàn sát đẫm máu sau nhiều cuộc cải cách của chính quyền đương đại. Điều đó khiến người dân thế giới có lương tri không khỏi cảm khái. 

Ngọc Minh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *