Dòng tiền đang chảy vào đâu?

Thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư băn khoăn với việc nên xuống tiền ở các kênh đầu tư nào trong thời điểm hiện tại. Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần phải hiểu về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, nắm bắt được đường đi của dòng tín dụng thì mới biết được kênh nào đang thu hút dòng tiền. Trong giới hạn của bài viết này, nhóm nghiên cứu thị trường của INDC xin đưa ra một vài phân tích về dòng tiền hiện tại, mong rằng sẽ giúp ích cho các nhà đầu tư trong việc nhận định đúng tình hình và không bị “lùa gà” vào các hoạt động đầu tư kém hiệu quả trong thời điểm này. 

Bối cảnh kinh tế như hiện nay, theo chúng tôi là lạm phát đang đi kèm đình đốn về tăng trưởng, dòng tín dụng không thể hấp thụ hết vào khu vực sản xuất thực, tiêu dùng cũng suy giảm nên không thể hấp thu vào tiêu dùng thực, khi đó dòng tín dụng tăng nóng có thể do đảo nợ, đầu cơ.  Với các giải pháp ổn định vĩ mô, hiện tại gần như tất các các kênh từ đầu cơ và sản xuất kinh doanh đều đang khó khăn. Và với mục tiêu hàng đầu là chống lạm phát thì tình hình dòng tiền vào các kênh như sau:

1. Sản xuất kinh doanh:

Kênh này hiện đang gặp khó khăn khi phải hứng chịu lãi suất cao. Dư nợ cho vay chưa thể khởi sắc với mức lãi suất vay vốn cao như vậy, các doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể mở rộng vay vốn với những dự án thực sự hiệu quả hoặc mang tính duy trì hoạt động tối thiểu. 

Sản xuất kinh doanh những hàng hóa cơ bản phục vụ cuộc sống chiếm tỷ lệ không lớn trong tổng nguồn vốn xã hội và cần đầu tư lâu dài, tỷ suất sinh lời không cao, tính thanh khoản thấp, dòng vốn của ngân hàng được khuyến khích cho vay vào kênh này nhưng việc các doanh nghiệp có mong muốn vay vốn để mở rộng sản xuất hay không lại phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh thực sự. Việc tái cơ cấu kinh tế cần phải một quá trình lâu dài, do vậy kênh đầu tư này khó có sự đột biến về dòng tiền.

2. Bất động sản:

Khó khăn khi vừa gặp lãi suất cao vừa bị siết về các quy định đầu tư và quy định về tỷ lệ cho vay của ngân hàng đối với bất động sản. Cả phía chủ đầu tư lẫn người dân muốn vay vốn ngân hàng đều gặp khó khăn. Nên thị trường tình hình bất động sản cũng chưa thể khởi sắc.

Bất động sản giá cao, tại các đô thị dường như đang trở nên kém hấp dẫn và chịu nhiều quy định ràng buộc tạo ra áp lực giảm giá, nhưng với phần đông người dân Việt nam vẫn có nhu cầu mua đầu tư và mua để ở còn lớn, nên bất động sản tại vùng ven, giá trung bình và thấp có quy hoạch tốt của nhà nước vẫn có xu hướng được ưa chuộng.

Ngoài ra, khi kinh tế suy thoái, tầng lớp trung lưu sẽ mỏng đi, một số người chuyển sang tầng lớp giàu có nếu đủ sức bật, còn lại đa số sẽ bị nghèo đi và trở thành tầng lớp thu nhập thấp. Thực tế cho thấy, thường trong khủng hoảng, người giàu sẽ càng giàu thêm do tranh  thủ được nhiều cơ hội mà ở điều kiện bình thường không có, do vậy bất động sản phục vụ cho tầng lớp giàu có trong khủng hoảng sẽ là nơi dòng tiền chảy đến. Bên cạnh đó, do tầng lớp thu nhập thấp tăng lên, và cầu thực vẫn luôn ở mức cao, nên dòng tiền sẽ chảy đến để phục vụ cho nhu cầu của đối tượng này.

3. Chứng khoán:

Thị trường chứng khoán cũng đang ở trạng thái lình xình khó có điều kiện bất mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là vì dòng tiền chung vào chứng khoán vẫn đang yếu và tâm lý lo ngại kết quả kinh doanh không tốt của các doanh nghiệp, quy định về tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán cũng bị hạn chế, áp lực tăng vốn điều lệ của khối ngân hàng, các công ty và tập đoàn lớn vẫn đang còn trước mắt. Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại cũng thu hẹp do nhiều vấn đề vĩ mô quốc tế như khủng hoảng năng lượng, lương thực, lạm phát tăng cao, khủng hoảng chính trị… cũng ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư. 

Chứng khoán là một kênh được ưa chuộng, tính thanh khoản cao, tuy nhiên những người dân đủ kiến thức và yêu thích chứng khoán không nhiều, nhất là số người mất từ thị trường chứng khoán do thiếu sự chuyện nghiệp khá nhiều. Để xây dựng một thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch, thực sự hấp dẫn nhà đầu tư cũng là một quá trình lâu dài. Do vậy số tiền đổ vào thị trường này cũng mang tính thời điểm và ngắn hạn, cũng không hy vọng có nhiều đột biến lớn.

4. Thị trường vàng miếng:

Có sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế quá lớn do chưa được quản lý chặt chẽ. Trong thời gian tới, vàng miếng và USD sẽ tiếp tục bị quản lý ngày càng chặt và không được khuyến khích. Dù có thể biến tướng sang thị trường vàng trang sức hoặc vẫn tồn tại giao dịch ngầm nhưng điều này không khuyến khích một lượng tiền lớn đổ vào kênh này.

5. Gửi tiền ngân hàng và các tổ chức tín dụng:

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng liên tục vượt đỉnh. Tính đến cuối tháng 3/2022 tiền gửi của dân cư là gần 5,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ; của các tổ chức kinh tế là gần 5,9 triệu tỷ đồng, tăng gần 19%. Đặc biệt, số tiền gửi tăng thêm của dân cư trong 3 tháng đầu năm nhiều hơn cả mức tăng tiền gửi của cả năm 2021.

Trong khi tiền gửi đã tăng, các ngân hàng còn có thêm nhiều động thái nâng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi, đón đầu dòng tiền rời khỏi các kênh đầu tư có biến động lớn. Thậm chí, gần đây có ngân hàng đã nâng lãi suất huy động lên đến 7% – 7,2%/năm.

Theo TS Đinh Thế Hiển, đã có những nhà đầu tư chuyển tiền từ tài khoản chờ mua bất động sản sang gửi tiết kiệm tại các kỳ hạn. Bên cạnh đó, có khả năng một bộ phận không nhỏ đến từ kênh chứng khoán cũng đã quay về gửi ngân hàng.

Thời gian qua xuất hiện xu hướng tiền gửi của các doanh nghiệp nhiều hơn so với hộ gia đình. Chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, hiện tượng này là do dòng tiền không đi vào nền kinh tế được nên phải lưu ở hệ thống ngân hàng. Đây có thể là của các doanh nghiệp bất động sản hoặc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thời gian vừa qua song chưa kịp tiêu hóa lượng tiền thu về.

“Khi nền kinh tế phục hồi, hoạt động sản xuất cũng tăng nhanh hơn thì việc doanh nghiệp đem tiền đi gửi là không hợp lý. Bản thân các doanh nghiệp luôn cần vốn, dòng vốn lưu động của họ cũng phải dựa vào việc vay ngân hàng. Nếu có, dòng tiền của họ chủ yếu là ở tiền gửi thanh toán hoặc tiền gửi ngắn hạn để xoay vòng kinh doanh”, ông cho biết.

Dòng tiền nằm chờ vào chứng khoán, bất động sản

Theo các chuyên gia, cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam rất khác biệt so với thế giới. Ở các quốc gia khác, vốn hóa của thị trường chứng khoán chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Còn ở Việt Nam, vốn hóa lớn nhất thuộc về 3 ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản. Để thu hút được dòng tiền thực sự vào đây thì cần phải có thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư Việt tham gia thị trường chứng khoán chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ. Trong khi đó, ở các nước phát triển, người dân chủ yếu đầu tư qua các quỹ tương hỗ, các quỹ bảo hiểm, các quỹ hưu trí. Vì thế tầm nhìn của nhà đầu tư sẽ không bền vững và dài hạn như cách mà các quỹ đầu tư làm.

“Thời gian qua, mặc dù dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán là rất lớn, song nó là không đáng kể so với lượng vốn của người dân trong nền kinh tế. Sắp tới dù thị trường chứng khoán có phục hồi song nó không phải là kênh để người dân bỏ tiền vào như ở các nước phát triển” – ông Hiển chia sẻ.

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận xét động thái hút tiền trên thị trường mở của NHNN gần đây cho thấy điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Đây là lần đầu tiên sau 2 năm, nhà điều hành thực hiện việc hút tiền khá mạnh trong khoảng thời gian ngắn. Còn việc bán ngoại tệ kỳ hạn để hút tiền về dù khối lượng lớn nhưng thực hiện theo kỳ hạn nên cũng không đến mức dồn cục. 

Trước đó, thời điểm dịch Covid-19, NHNN hầu như chỉ bơm tiền ra thị trường là chính qua việc mua ngoại tệ tăng dự trữ, mua tín phiếu. Việc bơm hút tiền trên thị trường mở là chuyện bình thường, khi thị trường thừa tiền thì NHNN hút về, còn khi thiếu tiền thì bơm ra nhưng sẽ tác động đến các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản. 

Khi NHNN hút tiền về, dòng tiền vào thị trường chứng khoán, bất động sản sẽ yếu đi, không có lực tăng. Nhưng đến khi nào nhà điều hành bơm tiền ra, 2 thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Con số hơn 1 triệu tỷ đồng nằm trên tài khoản cá nhân cho thấy, nhà đầu tư đang chờ. Chỉ cần có những biểu hiện bơm tiền từ phía nhà nước, dòng tiền này sẽ được kích hoạt ngay. Có thể họ chờ đợi những chính sách rõ ràng hơn trước khi “xuống tiền” đầu tư. Đơn cử như chính sách tín dụng (các NH được cấp thêm hạn mức tín dụng, sửa đổi bổ sung Thông tư 39 quy định việc cho vay khi nào có hiệu lực…) trong 2 quý cuối của năm, bức tranh ngân sách nhà nước…

Dòng tiền thể hiện niềm tin, sự kỳ vọng của nhà đầu tư nên với tăng trưởng kinh tế quý 2 khá tốt như vừa công bố, hy vọng những tháng sau, dòng tiền nằm chờ trên tài khoản thanh toán của cá nhân sẽ được bung ra.

Tuy nhiên, có hay không khả năng dòng tiền được bơm lại thị trường khi mà một loạt các vấn đề khủng hoảng địa chính trị quốc tế, giá dầu biến động khó lường và việc Fed tăng lãi suất, thậm chí có thể đến 3% như dự báo?

Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?

Rõ ràng, một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ việc Fed tăng lãi suất nói riêng và các nước phát triển thắt chặt tiền tệ nói chung. Sẽ có 3 tác động điển hình:

Thứ nhất, lãi suất tăng có thể làm nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài. Theo đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể gặp khó khăn hơn, hay ít nhất là cũng không thể tăng hàng năm ở mức 2 con số như những năm gần đây; trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời cũng là thị trường Việt Nam có thặng dư thương mại lớn nhất lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.

Lợi thế của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ do phần lớn là hàng hóa thiết yếu, thậm chí có lợi đáng kể khi lạm phát ở Mỹ tăng cao. Tuy vậy, điều chỉnh chính sách thương mại phù hợp với bối cảnh lạm phát và dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ là cần thiết và cấp bách.

Thứ hai, Fed tăng lãi suất có thể khiến dòng vốn đầu tư toàn cầu đảo chiều chuyển từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển, đặc biệt là về Mỹ. Theo đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có thể tăng chậm lại, hay ít nhất là khó tăng trưởng như những năm trước đại dịch Covid-19.

Do đó, nguồn lực đầu tư chiếm khoảng 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Việt Nam có thể co hẹp lại. Tuy nhiên, mức độ co hẹp không đến mức quá lo ngại khi các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu vào Việt Nam đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Singapore, không phải từ Mỹ hay châu Âu. Hơn nữa, triển vọng thu hút vốn FDI còn phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Thứ ba, Fed nâng lãi suất đã khiến USD lên giá so với hầu hết đồng tiền chủ chốt khác. Theo đó, VNĐ cũng chịu áp lực mất giá sau 2 năm liên tiếp lên giá trên dưới 1% so với USD.

Nếu VNĐ mất giá so với USD sẽ có lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, song lại thiệt hại lớn hơn nhiều do VNĐ mất giá sẽ khuếch đại nhập khẩu lạm phát. Nói cách khác, nếu USD lên giá so với VNĐ ngay trong năm 2022, Việt Nam sẽ rơi vào trạng thái chưa kịp nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để phục hồi kinh tế thì đã buộc phải thắt chặt do nguy cơ lạm phát cao.

Như vậy, cho đến thời điểm này, gửi tiền ngân hàng và các tổ chức tín dụng vẫn là kênh đầu tư thu hút tiền vào nhất. “Bất động sản và chứng khoán vẫn là những kênh đầu tư có hiệu quả, đặc biệt nếu lựa chọn đúng hàng hóa thì kết quả đầu tư vẫn rất tốt, tuy nhiên cần tránh để hết trứng vào một giỏ. Tiền gửi ngân hàng cũng hiệu quả và tương đối an toàn. Ở Việt Nam gần như chẳng ngân hàng nào phá sản và nó vẫn là một kênh tương đối tốt để có thể đầu tư” – Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhắn nhủ nhà đầu tư.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *