Gần đây, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho biết họ đang xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó có đề xuất giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm. Nhưng sau động thái này, việc người lao động ồ ạt rút BHXH trong thời gian vừa qua vẫn không giảm đi, thậm chí là tăng lên, vì sao vậy?
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong quý I/2022, cả nước có trên 208.000 người rút BHXH một lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, tuổi của lao động rút BHXH một lần ngày càng trẻ, phổ biến ở tuổi dưới 40, trong đó phần lớn chỉ 20-30 tuổi và hầu hết ở khu vực ngoài nhà nước. Theo BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, đã có hơn 4,59 triệu người hưởng BHXH một lần, trung bình cứ 2 người tham gia BHXH có 1 người rút một lần và năm sau luôn cao hơn năm trước.
Một bạn đọc giấu tên bày tỏ trên báo NLĐO: “Công ty tôi đang làm hiện tại có khoảng 800 công nhân, trong đó gần 50% là làm thời vụ, công nhân chính thức chỉ hơn 450 người. Hỏi ra mới biết công nhân chính thức cũng nghỉ việc ra làm thời vụ vì nghe đề xuất rút ngắn năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm. Nghỉ để 1 năm sau đi rút bảo hiểm 1 lần chứ không đợi lãnh lương hưu. Vì khi đề xuất chắc chắn sẽ thông qua và áp dụng, mà áp dụng thì người lao động sợ không rút được nên giờ nghỉ 1 năm sau rút trước khi đề xuất đóng 15 năm được thông qua. Xin hỏi ban soạn thảo có ý kiến gì?”
Theo ý kiến của đa số người lao động, việc ồ ạt rút BHXH trong thời gian vừa qua là do chính sách BHXH thay đổi, tăng tuổi, giảm quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu. Điều đáng nói là trước khi thông qua sửa đổi này, nhiều ý kiến của người lao động và cán bộ Công đoàn các cấp không đồng tình, bởi nó không thể hiện ý chí nguyện vọng của người lao động tại các doanh nghiệp khi mà điều kiện lao động khó khăn.
Chính sách ‘làm khó’ người lao động?
Theo các nhà quan sát, việc tăng tuổi nghỉ hưu và năm đóng bảo hiểm đã làm cho người lao động đã khó khăn trong cuộc sống nay lại càng khó khăn hơn. Bạn đọc Tân Hợp phân tích: “Đồng lương hưu không đủ sống, trượt giá và lạm phát tăng cao. Thế hệ trẻ bây giờ rất năng động, họ chuẩn bị sẵn kinh tế cho tuổi về già. Họ có nhiều phương án tích lũy”.
Anh Nguyễn Hoàng Hà gay gắt: “Do chính sách vô lý của Luật BHXH. Thử hỏi 40 tuổi thất nghiệp mà phải chờ 22 năm sau mới lĩnh lương thì có ai chờ được không?”. Một bạn đọc giấu tên cho rằng nếu không giảm tuổi hưu và tăng mức hưởng thì sẽ dẫn đến tình trạng nhà nhà, người người rút BHXH 1 lần, càng giảm năm đóng càng nhiều người rút.
Một bạn đọc khác cho biết: “Theo tôi thấy hiện nay luật BHXH hiện hành chưa thực sự làm người người lao động an tâm. Giờ còn tính sửa luật là hạ năm đóng xuống 15 năm và tiến tới 10 năm, điều này mới nghe có vẻ là cơ quan soạn thảo muốn chăm lo cho người lao động dễ dàng có tuổi hưu, nhưng đây thực tế là cách gài người lao động vào thế khó”.
Theo ý kiến của đa số bạn đọc, nếu giảm xuống còn 15 năm để được hưởng lương hưu thì cũng sẽ không hạn chế NLĐ rút BHXH một lần, và để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, BHXH nên thực hiện đóng bao nhiêu hưởng tương tự bấy nhiêu chứ không nên quy định về tuổi nghỉ hưu. Ai có sức khỏe thì tiếp tục làm việc, ai có nguyện vọng nghỉ hưu thì nên giải quyết cho nghỉ.
Càng hạ số năm đóng, người lao động càng thiệt?
Bạn đọc Võ Thị Kim Oanh bức xúc: “Theo tôi thấy BHXH vô lý ở chỗ tính 25 năm lúc trước thì đùng một cái 30 năm mới được hưởng đúng 75% lương cơ bản. Trong khi đó tuổi hưu thì tăng có lộ trình mỗi năm tăng 3 hay 4 tháng mà số năm đóng bảo hiểm tăng 5 năm không hề có lộ trình. NLĐ bị BHXH đơn phương phá vỡ hợp đồng mà không ai bênh vực”.
Bạn đọc Thanh Phạm bày tỏ: “Tôi khẳng định là việc giảm năm đóng xuống 15 năm rồi kế hoạch 10 năm mà không giảm mức tuổi như hiện nay thì càng làm cho người lao động ở ngoài khối nhà nước càng thêm lo, lo là vì chờ quá lâu. Chung quy lại nếu không giảm tuổi hưu và không đều chỉnh lại mức hưởng thì mọi việc cũng thế, hiện nay đóng đủ 20 thì người lao động đã chưa tới tuổi hưu đã bị tước quyền rút BHXH 1 lần, thử nghĩ giảm xuống 15 năm thì cũng vậy thôi. Nói tóm lại, càng hạ số năm đóng người lao động càng thiệt. Tôi nghĩ cơ quan soạn thảo nên lắng nghe tâm tư người lao động trước khi đưa luật vào thực tế”.
Theo nhiều bạn đọc, điều cốt lõi nhất là hạ tuổi nghỉ hưu xuống và năm đóng bảo hiểm cho người lao động ngoài nhà nước. Người làm chính sách phải tìm hiểu thực tế cuộc sống người lao động, phải tính toán sao cho những người tham gia bảo hiểm khi đến lúc nghỉ hưu thì đồng tiền mồ hôi công sức của họ phải đảm bảo cuộc sống.
Một bạn đọc giấu tên đề xuất ý kiến: “Đóng bao nhiêu hưởng bao nhiêu. Thời điểm lĩnh lương hưu do người lao động tự quyết khi đã đóng đủ BHXH. Mức đóng, hệ số lương phải theo mức lương mức sống tối thiểu vùng. Quan trọng nhất là bỏ ngay việc 60-62 tuổi mới được lương hưu mà nghỉ trước thì bị trừ 2% mỗi năm. Chứ đóng BHXH đủ mức tối thiểu 45% nhưng mất việc nghỉ trước 60 tuổi 15, 20 năm thì mất trắng nếu không rút 1 lần”.
Tương tự, bạn đọc Nguyễn Thanh Tuy góp ý: “Cứ đóng BHXH đủ 20 năm là được hưởng lương hưu luôn, không cần phải quy định tuổi như hiện nay thì người lao động cố gắng phấn đấu để lấy lương hưu, Còn nếu có giảm xuống 15 năm hay là 10 năm đóng BHXH mà vẫn bắt buộc phải đủ tuổi quy định như hiện nay thì người lao động vẫn lựa chọn rút một lần”.
Bạn đọc Nguyễn Văn Dũng bày tỏ: “Đâu phải người lao động không biết gì, nếu có lợi thì ai dại gì đi rút, luật giảm xuống 15 năm tôi 13 năm đi rút.tới 40 tuổi mất việc đợi 22 năm nửa hưởng hưu, vậy ai nuôi thời gian đó? 50 tuổi thì còn rán đợi được 62 quá lâu”.
Lương hưu không đủ sống?
Một bạn đọc giấu tên khẳng định: “Thời gian và tuổi nghỉ hưu chưa chắc ảnh hưởng đến việc rút 1 lần, thực tế là lương hưu không hấp dẫn cho người được hưởng. nếu nhận lương hưu mà đủ sống thì chắc chắn mọi người sẽ xem xét khi rút 1 lần”.
Theo bạn đọc Phạm Đình Lương, nếu không giảm tuổi nghỉ hưu mà chỉ không chế mức sàn 15 năm đóng BHXH thì đến năm 47 tuổi nam, 45 tuổi nữ họ sẽ rút 1 lần và đóng tiếp để đến 62 và 60 vẫn nghỉ hưu bình thường vì tiền càng ngày càng mất giá, đóng càng lâu càng thiệt thòi, lương bình quân gia quyền lại tính toàn bộ thời gian đóng nên tiền lương bình quân gia quyền của 15 năm cuối sẽ cao hơn dẫn đến lương hưu cao hơn. Đồng thời phải sửa đổi cả Luật việc làm vì Luật việc làm quy định hưởng trợ cấp BHTN tối đa 12 tháng, vậy những người đóng BHTN trên 12 tháng sẽ bị thiệt thòi. Việc về hưu sớm hơn cũng là 1 biện pháp giải quyết việc làm cho lớp trẻ”.
“Có 3 vấn đề BHXH cần điều chỉnh cho phù hợp, thứ 1 điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sao cho người lao động thấy có khả năng thực hiện được, thứ 2 là xem lại hệ số trượt giá khi tính lương hưu cho phù hợp nhằm cải thiện mức lương hưu cho người lao động, thứ 3 là kiểm soát chặt chẽ việc lách luật của chủ doanh nghiệp nhằm đóng BHXH trên mức lương tối thiểu ảnh hưởng mức lương hưu của người lao động sau này” – một bạn đọc tên Tường viết.
Một số chuyên gia cho rằng, nếu có sửa luật thì chỉ nên áp dụng cho đối tượng bắt đầu tham gia BHXH tại thời điểm bộ luật có hiệu lực và nên chia nhỏ lộ trình tăng trong khoảng 20 năm, như thế mới khoa học tránh tác động nhiều, còn những người đã tham gia bảo hiểm trước đây phải giữ nguyên như cũ, tôn trọng những nội dung điều khoản của những người đã tham gia bảo hiểm xã hội trước đây, không thể cứ lấy lý do vỡ quỹ để thay đổi. Bởi vì rõ ràng là người lao động không phải chịu trách nhiệm cho việc vỡ quỹ hay cơ quan liên quan sử dụng quý kém hiệu quả. Hay như một người lao động bức xúc hỏi: “Liệu sau này cứ có nguy cơ vỡ quỹ thì lại điều chỉnh giảm quyền lợi của người lao động hay sao?”.
Ngọc Minh