Sau một thời gian tăng nóng và nhiều dấu hiệu huy động vốn rủi ro, thị trường bất động sản (BĐS) đang đối mặt với thử thách mới khi Chính phủ có động thái mạnh tay để xì bớt bong bóng đang lớn dần, đưa thị trường đi vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững hơn. Giới đầu tư BĐS dường như đang chậm lại để nghe ngóng bởi hiện tại thị trường đang xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ thiếu lạc quan do một loạt những điều kiện bất lợi từ trong và ngoài nước. Phải chăng thị trường BĐS sắp “đóng băng”?
Chính sự nóng lên đột ngột của thị trường BĐS trong giai đoạn cuối năm 2021 khiến các nhà đầu tư dấy lên nỗi lo ngại nguy cơ “đóng băng”, hậu quả thường thấy sau mỗi kỳ tăng trưởng nóng.
Theo các nhà quan sát, hiện nay có một số dấu hiệu báo hiệu thời điểm khó khăn của thị trường BĐS:
Thị trường đang lạnh dần?
Trái với tâm lý hồ hởi cách đây hơn 1 tháng, một bộ phận nhà đầu tư rơi vào tình cảnh “đứng ngồi không yên” trước diễn biến của thị trường, nhất là khi khoản hàng tồn chưa có dấu hiệu tích cực thanh khoản.
Anh N.N.M (nhà đầu tư Hà Nội) cho biết: “Thị trường chỉ nóng bên ngoài nhưng bên trong rất lạnh. Có hàng đẹp rao bán mãi không thành công”. Nhưng với anh M. điều lo ngại nhất chính là mức giá của nhiều loại BĐS đang từ từ hạ xuống.
“Không ít bạn bè tôi rao bán quá lâu mà chưa chuyển nhượng thành công đang hạ giá từ 10-30% mức giá lúc mua. Thời điểm, dân tình kháo nhau sốt đất, nhưng nhiều người rao bán không được. Đến giờ họ buộc phải hạ giá. Đã hạ giá nhưng còn chưa bán được. Có vẻ như tâm lý lo ngại dịch bệnh bùng phát khiến dân không dám mua. Mọi người ai cũng phòng thủ, lo ngại dịch bệnh năm sau bùng phát”, anh M. cho hay.
Cũng trong tình cảnh như “ngồi trên đống lửa”, chị Bùi Trang (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: “Các diễn đàn rao bán đất, hiện tôi thấy sức nóng giảm hắn. Nếu như trước đây, chỉ cần có thông tin BĐS đẹp được chia sẻ, mọi người vào xin giá liên tục. Nhưng hiện tại thì có vẻ như tình hình giao dịch rất trầm lắng. Người quan tâm đã không còn nhiệt tình. Giá lô đất và nhà rao trong diễn đàn, tôi thấy đều giảm mạnh”.
Khủng hoảng thiếu sản phẩm do “vướng” pháp lý
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Invest phân tích.“Nếu xét về thủ tục hành chính thì một dự án theo tính toán của chúng tôi, phải có 36 con dấu mới hoàn thành. Thậm chí là lên đến 120 con dấu nếu tính cả những quy định không chính thức. Có thể nói, thủ tục hành chính về BĐS vô cùng phức tạp. Nhưng các thủ tục pháp lý lại càng phức tạp hơn, chúng tôi thường gọi là “ma trận”. Với Luật Đất đai, sự ra đời của Nghị định 30 không cho phép chuyển đổi các loại đất khác sang đất ở đang khiến lượng lớn dự án bị ách tắc (hiện có khoảng 400 dự án tại Hà Nội, TP.HCM đang vướng) gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp”.
Trên thực tế, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến BĐS đang còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn; thủ tục cấp phép rườm rà; cơ chế, chính sách cho phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa phù hợp; quy định về phát triển, giao dịch sản phẩm condotel chưa rõ ràng; không ít đơn vị thực thi pháp luật hiện vẫn chưa hiểu rõ, chưa nắm được việc nên làm và việc không nên làm. Vì vậy, hầu như không ai dám ký, khiến hàng loạt dự án bị chững lại… Từ đó tạo nên khủng hoảng cho thị trường BĐS trong thời gian gần đây, thể hiện ở sức mua BĐS nhà ở rất mạnh nhưng không có hàng để bán.
Nguồn cung khan hiếm do hàng loạt dự án bị “đóng băng”, kéo theo hệ lụy là đẩy giá nhà đất lên cao. Người dân, nhất là những người có thu nhập trung bình trở xuống càng khó có cơ hội sở hữu nhà ở. Còn doanh nghiệp thì khốn đốn vì chi phí vốn đội lên nhiều lần, lãi vay ngân hàng tăng và đặc biệt là bị mất cơ hội kinh doanh.
Công ty TNHH AA VinaCapital, chủ đầu tư dự án tại Lô đất C7A-01 (quận 7) đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính, đã hoàn thành 90% các thủ tục liên quan, chỉ chờ khâu cuối cùng là cấp phép xây dựng để có thể tiến hành đầu tư xây dựng ngay. Tuy nhiên đến nay, công ty vẫn không thể triển khai thi công do các vướng mắc về thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, kéo dài từ tháng 2/2020 đến nay vẫn chưa hoàn tất…
Nhưng phần rủi ro nhất vẫn là rủi ro về nguồn tiền, với một loạt các cảnh báo rủi ro được đưa ra…
Dòng vốn bị ‘phanh gấp’ là rủi ro lớn nhất
Dữ liệu mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy trong năm 2021, các doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 722.700 tỉ đồng, tăng 56% so với năm 2020. Trong đó, phát hành riêng lẻ vẫn là hình thức chủ đạo, chiếm tới 91% tổng lượng phát hành. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tăng trưởng nóng, với quy mô từ 4,93% GDP năm 2017 lên 16,6% GDP năm 2021.
Rủi ro lớn nhất nằm ở chỗ trong số 468.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng phát hành, lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 83.000 tỉ đồng, trái phiếu có tài sản đảm bảo toàn bộ bằng cổ phiếu là 33.000 tỉ đồng, còn trái phiếu có tài sản đảm bảo một phần bằng BĐS và một phần bằng cổ phiếu là 131.300 tỉ đồng. Như vậy, số trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu vẫn chiếm tới 53% tổng phát hành.
Thậm chí, FiinGroup cảnh báo hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành BĐS thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các công ty này có sức khỏe tài chính yếu và rất đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (nợ vay/vốn chủ sở hữu) hiện lên tới 8,1x trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5x. Năng lực trả nợ vay của các đơn vị phát hành BĐS chưa niêm yết hiện rất yếu.
Điển hình là các khoản trái phiếu bị thu hồi của các công ty trong hệ sinh thái Tân Hoàng Minh đều là các trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng quyền sử dụng đất kèm chứng thư định giá hoặc bằng các tài sản thế chấp là cổ phiếu với giá trị theo chứng thư định giá có giá trị 130-200% giá trị của các đợt huy động. Tuy nhiên, đây hầu hết là các doanh nghiệp chưa niêm yết, do đó khả năng thanh lý tài sản đảm bảo sẽ có mức độ khả thi thấp hơn và mất nhiều thời gian trong quá trình xử lý thu hồi tài sản đảm bảo.
Nhóm nghiên cứu SSI Research lưu ý: “Việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo, thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng”.
Theo SSI Research, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thanh khoản thị trường BĐS có xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần, các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh, hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng chậm hơn dự kiến. Tình hình này khiến nhiều doanh nghiệp BĐS đối mặt với thực trạng dòng tiền kinh doanh liên tục bị âm. Để bù đắp lại, doanh nghiệp thường lấy tiền đặt cọc thu được của dự án sau để bù cho dự án trước. Vòng quay tiền lại tiếp tục mở rộng với liên tiếp các dự án mới được chào bán ra thị trường cho đến khi nào không thể quay được nữa.
Một khi lượng mở bán dự án mới đạt đỉnh, không thể vay mới để đảo nợ hay không tạo ra đủ nguồn thu để trả lãi vay ngân hàng hay trái phiếu đến kỳ đáo hạn, một số doanh nghiệp có thể rơi vào thực trạng suy kiệt nhanh chóng dòng tiền. Cú sốc vỡ nợ Evergrande tại Trung Quốc là lời cảnh báo rõ ràng.
Trong ‘nguy’ có ‘cơ’: cầu thực cao và trú ẩn an toàn
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang lao dốc không phanh, thị trường mua bán nợ rủi ro cao, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày một doãng rộng, bong bóng tiền ảo đang xì hơi trong khi lạm phát bắt đầu gia tăng, dòng tiền của nền kinh tế có nhu cầu trú ẩn vào nơi an toàn. Lúc này, BĐS và vàng là lựa chọn tốt. Tuy nhiên, vàng đang bị méo mó bởi chính sách nên BĐS trở thành lựa chọn tốt nhất. Chưa kể, cầu thực về nhà ở của Việt Nam là rất lớn.
Theo VNDirect, các chủ đầu tư có thể sẽ gặp thách thức trong việc huy động vốn trong vài quý tới. Do đó, hoạt động bán hàng có thể sẽ được đẩy mạnh trong khi mở rộng quỹ đất sẽ chậm lại, giúp giá nhà đất hạ nhiệt trong các quý còn lại của năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp BĐS có quỹ sản phẩm sẵn sàng bán lớn và bảng cân đối tài chính lành mạnh sẽ vẫn có mức tăng trưởng lợi nhuận ổn định trong 2022 – 2023. Về lâu dài, triển vọng thị trường vẫn tích cực.
Việc thắt chặt tín dụng, cũng được các chuyên gia kỳ vọng thị trường BĐS sẽ chứng kiến xu hướng phục hồi nguồn cung trong năm 2022, khi các chủ đầu tư sẽ tập trung đẩy mạnh hoạt động bán hàng để cải thiện dòng tiền.
Tại tọa đàm dự báo về kinh tế 2022 -2023, CEO FiinGroup Nguyễn Quang Thuân thừa nhận, ngành BĐS không hồi phục ngoài nguyên nhân mang tính chu kỳ, còn lý do khác đó là 2 năm không làm được dự án do đại dịch, thiếu nguồn tiền và hiện nay lại gặp thách thức lớn khi bị siết tín dụng, mặc dù cầu về BĐS vẫn rất lớn.
“Có doanh nghiệp không huy động được vốn thì vẫn sống được 10 năm nữa, nhưng có những doanh nghiệp nếu không cho huy động vốn thì chỉ 6 tháng sau sẽ không còn tồn tại được nữa nếu nhìn dưới góc độ dòng tiền”, ông Thuân nhấn mạnh.
Về triển vọng thị trường BĐS thời gian tới, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, cầu thực về nhà ở của Việt Nam vẫn rất cao. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vào khoảng 40%, nhưng ở các nước phát triển là 70%, thậm chí còn hơn, người dân sống ở đô thị chiếm 70 – 80% dân số. Đến năm 2050, đô thị hóa của Việt Nam nếu đạt 60 – 70% thì sẽ có khoảng 60 – 70 triệu dân sống ở đô thị, nhu cầu nhà ở là rất lớn.
Bên cạnh đó, BĐS công nghiệp được đánh giá là phân khúc điểm sáng, phát triển mạnh ngay trong đại dịch Covid-19 nhờ dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, trường BĐS du lịch lâm vào tình trạng thiếu hàng do nhu cầu du lịch bùng nổ trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa, có nhiều cơ sở để tiếp tục lạc quan với thị trường BĐS. Đơn cử, vẫn còn những chủ đầu tư không quá bị áp lực bởi trái phiếu và còn quỹ đất để triển khai dự án. Thị trường cũng vẫn có những nhà đầu tư với ngân sách dưới 2 tỷ đồng đang tìm kiếm cơ hội ở những khu đô thị mới nổi, tạo ra các “cơn sốt” nhỏ, là cơ hội cho thị trường phát triển.
Ông Nghĩa cho rằng, kèm theo việc siết tín dụng thì Chính phủ đang có những giải pháp chuẩn bị cho nguồn cung, hạ tầng, quy hoạch và chiến lược phát triển những đô thị mới. Bên cạnh đó là những dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc – Nam hay những dự án khu công nghiệp với mô hình mới…
“Những điểm nhấn vĩ mô đó sẽ là động lực để chúng ta lạc quan vào thị trường BĐS trong dài hạn. Nếu nhìn thấy mặt tích cực này, các nhà đầu tư có thể suy nghĩ về việc tái đầu tư, xem xét lại danh mục của mình”, chuyên gia nhấn mạnh nhà đầu tư cần chấp nhận sự khắc nghiệt trong ngắn hạn và nhìn vào sự lạc quan của thị trường dài hạn.
Cơ hội ‘vàng’ trong khủng hoảng
Báo cáo về thị trường BĐS tháng 4/2022 của Batdongsan.com.vn cho thấy, nhiều diễn biến trái ngược nhau ở các phân khúc. Nhu cầu tìm mua hầu hết các loại hình BĐS có xu hướng giảm so với cùng kỳ như nhà riêng giảm 9%, đất nền giảm 8%. Tuy nhiên, biệt thự, nhà liền kề lại ghi nhận lượng quan tâm cao với mức tăng trung bình 7% trên cả nước.
Nhiều tỉnh, thành có lượt tìm kiếm loại hình này tăng mạnh, nổi bật là Quảng Nam (167%), Hưng Yên (43%), Khánh Hòa (18%), Quảng Ninh (14%),… Nguồn cung biệt thự, nhà liền kề cả nước cũng tăng 17% trong tháng qua.
Cùng chiều với lượng quan tâm, giá bán biệt thự, liền kề cũng tăng đáng kể, đặc biệt tại các quận, huyện ở Hà Nội và TP HCM. Giá rao bán biệt thự, liền kề tại Gia Lâm, Hoàng Mai, Hoài Đức (Hà Nội) tăng lần lượt 82%, 46% và 39%. Ở Tân Bình, quận 7, quận 9 cũ (TP HCM) cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 60%, 35% và 25%.
Lý giải về sức nóng của loại hình biệt thự, liền kề, các chuyên gia của Batdongsan.com.vn nhận định trước những thông tin về lạm phát, người mua BĐS đang ưu tiên những sản phẩm có nhu cầu mua bán, cho thuê cao, có lịch sử thanh khoản tốt.
“Biệt thự, liền kề là một trong những loại hình BĐS tăng giá tốt và có tỷ lệ giao dịch thành công cao nhất trong năm 2021 nên tiếp tục thu hút lượng quan tâm lớn”, chuyên gia Batdongsan.com.vn cho biết.
“Thời gian tới, các sản phẩm BĐS có mục đích sử dụng cao để phục vụ nhu cầu ở thực của người dân và làm mặt bằng kinh doanh, phù hợp với định hướng đẩy mạnh kinh doanh, sản xuất của nhà nước, như nhà riêng, nhà phố, chung cư cho thuê, chung cư tầm giá dưới 45 triệu đồng/m2 sẽ được quan tâm nhiều hơn”, ông Đinh Minh Tuấn – Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nhận định.
Ông Troy Griffiths – Phó Giám đốc Savills Việt Nam cho biết, xu hướng thấp tầng, liền kề sẽ phát triển hơn trong năm 2022 và có sự lan tỏa từ Hà Nội tới Bắc Ninh, Hưng Yên. Trong đó, shophouse sẽ tiếp tục là phân khúc sôi động trong cả những năm tiếp theo.
“Nhà phố có diện tích vừa phải, giá cả phải chăng sẽ có lượng tiêu thụ rất tốt. Tôi tin rằng shophouse có thể là mảng thú vị, sôi động trong thị trường thấp tầng những năm tiếp theo”, ông Troy Griffiths dự đoán.
Trong khi đó, ông Matthew Powell – Giám đốc Savills Hà Nội bày tỏ sự lạc quan về tăng trưởng nguồn cung và giá bán của phân khúc này: “Nguồn cung sơ cấp thị trường biệt thự, nhà liền kề Hà Nội đã liên tục thiếu hụt trong một thời gian dài. Nguồn cung mới trong năm 2022 chủ yếu đến từ các dự án, khu đô thị lớn ở ngoài trung tâm TP. Hà Nội sẽ giúp khắc phục tình trạng này. Những nơi có cơ sở hạ tầng được cải thiện thì nguồn cung, lượng giao dịch và giá bán cũng sẽ có sự tăng trưởng đáng kể”.
Tại TP. HCM, kế hoạch chuyển đổi 5 huyện ngoại thành gồm Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ thành các “quận nội thành” vào năm 2030 cũng là một trong những yếu tố tạo nên triển vọng của thị trường này.
Ngược lại, phân khúc đất nền có dấu hiệu hạ nhiệt so với thời điểm tháng 3. Quay lại thời điểm quý I/2022, thị trường đất nền vẫn khá sôi động với mức độ quan tâm cả nước tăng 4% so với trước dịch COVID-19 (quý I/2019). Nhiều địa phương tăng đáng kể cả về lượt tìm mua lẫn giá rao bán như Khánh Hòa, Bình Thuận, Thanh Hóa.
Tuy nhiên, bước sang tháng 4, mức độ quan tâm đến đất nền trên cả nước đã giảm 18% so với tháng liền trước và giảm 8% so với cùng kỳ.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Sự suy giảm này theo tôi đánh giá có sự ảnh hưởng từ yếu tố Hà Nội tạm dừng phân lô bán nền. Tuy nhiên, đây là ảnh hưởng mang yếu tố ngắn hạn, giảm nhiệt thị trường của Chính phủ. Còn nhìn vào động lực vì sao thị trường đất thổ cư Hà Nội và các tỉnh quanh miền Bắc có sự phát triển thì chúng tôi nhận thấy: thứ nhất, nhu cầu đầu tư tích trữ tài sản của người miền Bắc lớn; thứ hai, việc phát triển cơ sở hạ tầng thúc đẩy khu vực này phát triển. Do vậy, về ngắn hạn, tác động này sẽ giảm nhiệt thị trường đất nền Hà Nội một chút”.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, việc tạm dừng việc giải quyết thủ tục liên quan đến chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất gồm đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không có đất ở sẽ ngăn chặn được việc gom đất hỗn hợp, tràn lan rồi phân lô, rao bán trái mục đích sử dụng. Còn với các trường hợp phân lô, tách thửa đúng mục đích sử dụng thì hoàn toàn không bị cấm, vì vậy không hề bị ảnh hưởng bởi các quyết định mới đây.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ và NHNN thời gian qua đẩy mạnh “siết” tín dụng chảy vào lĩnh vực BĐS, ngoài mục đích để ngăn chặn bong bóng đổ vỡ, còn có mục tiêu kéo giảm giá nhà, hạn chế sốt đất. Tuy nhiên, các chuyên gia cho răng, việc này có thể sẽ càng làm cho thiếu nguồn cung tăng lên và gây ra sốt giá nhiều hơn. Vì các chủ đầu tư khó tiếp cận vốn để phát triển nguồn cung nhà.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch HUBA, thị trường BĐS hiện nay do chính những doanh nghiệp BĐS đang dẫn dắt. Trong khi đó, theo quy tắc thị trường thì phải là do người mua dẫn dắt. Do người dân không có sản phẩm nên phải mua tất cả những gì thị trường tung ra. Và đó là lý do tại sao giá bán ngày càng cao.
Vị này dự báo, trong năm nay, nguồn cung sẽ tiếp tục khan hiếm và giá khó giảm. Bởi một dự án dù bây giờ có được phê duyệt đi nữa thì ít nhất phải hai năm tới mới có sản phẩm ra thị trường. Tức là phải đến cuối năm 2023, các vấn đề giải quyết nguồn cung mới được tháo gỡ.
“Tuy nhiên, một thực tế khác có thể xảy ra là việc NHNN siết tín dụng sẽ dẫn đến việc người vay tiền mua BĐS nhiều phải bán ra, kéo theo một lượng cung lớn được đưa ra thị trường thứ cấp, giúp bình ổn giá trở lại. Do tín dụng bị siết nên tình trạng đầu cơ sẽ giảm, nhu cầu thực vẫn có nên mua để ở rất tốt”, ông Nghĩa nhận định.
Trước thực tế này, nhóm nghiên cứu thị trường của INDC khuyến nghị các nhà đầu tư:
- Hạn chế đầu tư tài chính vào BĐS với các nhà phát triển BĐS trong nước vì chất lượng phát hành sản phẩm tài chính BĐS rất thấp trong khi khâu giám sát và bảo vệ nhà đầu tư còn yếu kém.
- Hạn chế đầu tư vào các dự án còn đang trong giai đoạn đầu, thời gian hoàn thành có thể kéo dài trong khi năng lực của chủ đầu tư khó thẩm định. Lý do là các dự án như vậy đang chật vật tìm nguồn tiền hoàn thiện trong bối cảnh thị trường phát hành TPDN và vay nợ ngân hàng đang bị siết lại trong khi chi phí xây dựng tăng lên 30 – 50% so với cùng kỳ 2021. Các cú sốc như thế này có thể khiến nhiều nhà phát triển BĐS thiếu kinh nghiệm và năng lực tài chính biến mất khỏi thị trường giống như giai đoạn sau 2011 – 2012.
- Bắt đầu thu hẹp đầu tư bằng đòn bẩy tài chính trong 6 – 12 tháng tới để tránh rủi ro lãi suất, đổ vỡ TPDN vào năm 2023 có thể xảy ra.
- Các phân khúc BĐS nên quan tâm: (i) phân khúc BĐS xa xỉ, cấp cao về du lịch và về căn hộ, nhà ở, thương mại; (ii) BĐS khu công nghiệp, logistic, nghỉ dưỡng; (iii) Còn BĐS văn phòng và bán lẻ, chỉ đầu tư ở vị trí đắc địa, có lợi thế về chính sách (lựa chọn).